Tiki-taka để khó thua, ngôi sao để chiến thắng
Một lối đá chỉ áp dụng hoàn hảo cho một lứa cầu thủ chơi cạnh nhau từ thuở nhỏ qua biết bao năm trui rèn, trong đó phải có vài ba ngôi sao loại nhất nhì thế giới, lọc bỏ cả những cái tên xuất sắc cỡ Ibra, Villa, thì rõ ràng đó không phải lối chơi cho tất cả mọi người.
Dortmund có thể gây ấn tượng lớn, làm khổ Bayern nhiều năm chỉ với toàn tài năng mới nổi, Arsenal có thể có những trận thắng tuyệt vời dù vắng bóng ngôi sao trước cả Barca lẫn Bayern vào những thời điểm hai đội này hùng mạnh nhất, và MU có thể chơi ngang ngửa với Real dù đội hình “tối giá” hơn nhiều. Trái lại, Barca với tiki-taka và đội ngũ ngôi sao dễ dàng bị Bayern vùi dập 7 bàn không gỡ. Vậy tiki-taka thực sự đóng vai trò gì trong một trận đấu mà lực lượng ngang nhau?
Những năm về trước, Barca có thể luôn khiến đối phương khiếp sợ, nhưng có hai lý do: chưa ai quen đối phó với tiki-taka cả, và lực lượng của Barca lúc bấy giờ là top 1 trên thế giới. Cho đến lúc này, không thiếu những đội bóng chất lượng kém hơn đã chặn đứng được tiki-taka với việc phòng thủ số đông, phản công sắc bén, những đội lực lượng ngang bằng đã dám tràn cả sang sân Barca để giành bóng, áp đảo bằng sức nhanh, sức mạnh, điển hình là Real.
Bayern năm ngoái đạt đến đỉnh cao của điều đó, họ quá vượt trội về độ biến hóa, khả năng tranh chấp, trong khi Barca vẫn với chừng ấy con người lại tỏ ra bỡ ngỡ trong phòng thủ và cứng nhắc trong tấn công, yếu ớt hơn đối thủ.
Liệu Pep đã phát huy được hết sức mạnh của Bayern? Ảnh: Internet. |
Nếu tiki-taka đòi hỏi các cầu thủ trong đội đều có kỹ thuật tốt nhất, sức mạnh mạnh nhất, tốc độ nhanh nhất, và phải có một, hai siêu sao hạng nhất để thay nhau ghi bàn, thì có lẽ chỉ một đội hình hoàn hảo mới duy trì được thành công của nó.
Với một môn thể thao tập thể cần rất nhiều sự thích ứng, xoay sở như bóng đá, triết lý này dường như quá an toàn, quá hoàn mỹ, và sự thật là nếu có một lực lượng đồng đều, cái gì cũng vượt trội như thế, liệu có cần cứ phải là tikitaka để chiến thắng hay không?
Ngay trong trận đấu với Man City, tiki-taka cũng không đóng vai trò nào trong các bàn thắng. Ở Barca, số bàn thắng từ ban bật nhỏ cũng có nhưng chỉ chiếm một phần rất ít. Đã rất nhiều trận đấu mà việc giữ bóng không có tác dụng (chỉ giúp khó thua), phải nhờ đến một siêu sao nào đó gây đột biến với một pha đi bóng bất ngờ, một đường kiến tạo thông minh hay một cú dứt điểm đẳng cấp giúp Barca chiến thắng.
Với Bayern, đội bóng có nhân lực đa dạng hơn cả Barca, những “tác dụng thực” của tiki-taka lại càng giảm thiểu, nhường thêm chỗ cho những cú sút xa, những quả đánh đầu vốn là thế mạnh đúng nghĩa của Hùm xám, bên cạnh những tình huống phối hợp, đi bóng hay (đã có từ trước) của những ngôi sao trong đội hình.
Ribery đi bóng và dứt điểm cực kỳ bất ngờ, không nhiều nghĩ đó sẽ là bàn thắng, Joe Hart lập bập, thêm những tình huống mà hậu vệ Man City di chuyển hết sức ngô nghê, chậm chạp, rồi sự lắt léo của Robben, có lẽ Pep hay tiki-taka không đóng vai trò cụ thể nào trong việc tạo ra hoặc làm xảy ra tất cả những điều đó.
Điểm yếu luôn tồn tại
Dĩ nhiên rồi, nói gì thì nói, chẳng có đội bóng nào hoàn hảo 100%, chỉ có thẻ tiệm cận đến mà thôi. Bayern thì cũng có quyền có nhược điểm chứ, bù lại họ đã quá hay, quá tuyệt vời, đã làm Cách mạng triệt để để vươn tới đẳng cấp hôm nay.
Nhưng, cái cảm giác về thứ bóng đá chuẩn mực làm tất cả mọi người yêu thích, về một tập thể chơi bóng đúng nghĩa, cống hiến, không thể chê mà Jupp Heynckes tạo ra cuối mùa trước, nó đang tạm thời chững lại, thậm chí hơi thụt giảm ở Bayern mùa này.
Thắng thì Bayern vẫn thắng đều, nhưng trong khi mùa trước thắng dồn dập, ào ạt, thắng đến nỗi số bàn ghi được có thể ngồi đếm từng trận như một thú vui cho những người khó ngủ, thì mùa này thắng khó hơn, sát nút hơn, đã bị hòa, đã bị thua.
Bayern mùa trước không bật nhả nhiều như mùa này, nhưng tỷ lệ kiểm soát bóng cũng rất cao, và quan trọng là những trái bóng luôn được sử dụng một cách thiết thực nhất, nhanh chóng nhất để tiến đến khung thành đối thủ.
Bayern mùa trước đá thoáng sân hơn, làm trận đấu sôi động hơn, tận dụng được khả năng chơi bóng dài, phản công hay, đánh vào chỗ trống của các cầu thủ. Mùa này, họ làm bóng lăn qua lăn lại nhiều ở tuyến giữa, chuyền về cũng nhiều, và sự “tham bóng” khiến đối phương cũng lùi sâu để tập trung phòng ngự, khiến các trận đấu chậm lại, ít cơ hội và bàn thắng hơn.
Điểm yếu trong tâm thức cũng vẫn còn. Bayern rất mạnh và đầy tính áp đặt, nhưng khi dẫn trước đậm, hoặc bị dẫn trước, họ vẫn thường cho thấy yếu điểm về sự tập trung, tỉnh táo, lạnh lùng. Ở một số tình huống trong một vài trận đấu, việc tham cầm bóng còn khiến hàng thủ Bayern và cả Neuer bộc lộ những sai lầm cơ bản khi bị gây sức ép.
Lấy ví dụ ở Champions League, cần nhìn cả hai chiều để thấy rằng, Man City vốn là một đội bóng nhiều sao nhưng thiên về “lấy thịt đè người”, họ có thể dùng điểm tựa nhân lực để hạ gục một MU chệch choạc, nhưng khi vấp phải những câu lạc bộ yếu hơn chơi toan tính hoặc ngang ngửa về lực lượng, Man City phải nếm trái đắng khá nhiều.
Man City mạnh là nhờ hàng tiền vệ nhanh, khỏe, kỹ thuật so với nhiều đội ở Anh, nhưng bản chất của họ là sự xuất sắc đơn lẻ hoặc ăn ý giữa những ngôi sao, nhiều hơn là tính tập thể, sự thích nghi ổn định trước nhiều hoàn cảnh một cách bền vững.
Bayern hơn hẳn về tất cả, cầu thủ chẳng nhỏ hơn, chẳng yếu hơn, chẳng chậm hơn, căn cơ phối hợp thì sắc nét, Man City thua chính là từ giữa sân thua đi. Nhưng sau đó, về cuối trận, một David Silva uyển chuyển, tinh tế và một Negredo chơi mạnh mẽ, chớp nhoáng đã ngay lập tức làm thế trận của Bayern bị xô lệch, hàng thủ bị uy hiếp.
Đúng là Pellegrini trước đó tỏ ra thụ động và thiếu dấu ấn, song nó cho thấy Man City thua trong một trận đấu đỉnh cao là do tự họ khiếm khuyết nữa, chứ không phải Bayern vừa hạ được một câu lạc bộ vĩ đại, bất khả chiến bại để người ta phải ca tụng quá đà.
Bayern vẫn rất hay, vẫn rất mạnh, có thể là nhất thế giới lúc này, song chưa chắc họ đã phát huy được hết tiềm lực đáng lẽ có thể có, ngay cả so với chính mình của vài tháng trước thôi đã chưa thể hơn được.
Có cả sự khéo léo, tinh tế lẫn sức mạnh, tốc độ, có cả sự lãng mạn lẫn những phút giây thực dụng, thô ráp, tất cả vì chiến thắng cuối cùng, thăng hoa và luôn hướng lên phía trước, một hình ảnh như thế đã khiến Bayern trở nên “tận mỹ” trong mắt rất nhiều người sau mùa 2012-2013. Lúc này mọi thứ đã đổi thay, hình ảnh kia sẽ phải khác, còn Bayern của Pep có tiệm cận hoàn hảo được hay không thì chẳng nên vội vã, phải chờ đến cuối mùa để phán xét, chứ chưa phải bây giờ.
Theo Bongda