Sáng nay (2/4), trao đổi với phóng viên Dân Trí, anh Đỗ Hùng Mạnh (SN 1981, trú ở huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa, người điều khiển xe khách trong vụ tai nạn nói trên) cho biết, chân anh vẫn đau chưa tự đi lại được. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ về làm việc với anh 1 lần và anh Mạnh cũng chưa rõ sự việc này sẽ được giải quyết như nào.
Anh Mạnh cho biết thêm, hiện anh đã được Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí.
Cũng trong sáng nay, xác nhận với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Thu Nam cho biết, anh đã đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí cho anh Đỗ Hùng Mạnh trong vụ việc trên.
Theo Luật sư Nam, về vụ tai nạn nói trên, đến nay cơ quan tố tụng chưa khởi tố vụ án nên anh tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và trợ giúp pháp lý cho tài xế xe khách.
Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở đây có nghĩa bởi vì tài xế Đỗ Hùng Mạnh bị rách chân, phải khâu 20 mũi, mất thu nhập, đồng thời, nam tài xế này còn liên quan vấn đề đền bù dân sự với người thứ 3, như thiệt hại của xe cứu hỏa, hành khách bị thương,...
“Hoàn cảnh gia đình tài xế Mạnh cũng rất khó khăn nên tôi quyết định hỗ trợ pháp lý miễn phí. Đây là vụ việc phức tạp vì liên quan đến chiến sĩ Cảnh sát PCCC nên tôi có bảo thêm một số luật sư khác nữa cùng tham gia để có cái nhìn khách quan hơn, hiện có khoảng 4-5 luật sư đồng ý hỗ trợ pháp lý miễn phí cho tài xế Mạnh” – Luật sư Nam cho biết thêm.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Luật sư Nam đánh giá vụ tai nạn nói trên là nghiêm trọng vì làm một chiến sĩ Cảnh sát PCCC tử vong, nhiều người bị thương, thiệt hại tài sản của nhà nước (là xe cứu hỏa) và xe khách bị hỏng nặng. Luật sư Nam cho rằng, để xảy ra vụ tai nạn thương tâm này là do lỗi của tài xế xe cứu hỏa. Bởi xe cứu hỏa đã đi ngược chiều vào đường cao tốc khi không được đảm bảo các nguyên tắc tiêu chuẩn về an toàn theo quy định tại Điều 26 và Điều 4 của Luật Giao thông đường bộ.
“Trường hợp này, bên Cảnh sát PCCC nói thực hiện đúng quyền hạn là được đi ngược chiều vào cao tốc, nhưng họ thực hiện quyền này một cách không có nguyên tắc đảm bảo an toàn, quá tự tin. Khi Cảnh sát PCCC thực hiện quyền của mình thì cùng với đó là người khác phải thực hiện nghĩa vụ nhường đường. Nhưng ở đây tài xế xe cứu hỏa đã thực hiện quyền của mình mà không để cho người khác có cơ hội thực hiện được nghĩa vụ của mình, vì xe cứu hỏa lao ra quá nhanh thì làm sao họ tránh kịp” – Luật sư Nam phân tích.
Luật sư Nam tiếp tục lấy ví dụ: “Giả sử bạn đang điều khiển xe ôtô trên đoạn đường hẹp, phía sau xe cứu hỏa hú còi, thì bạn phải lựa xem chỗ nào có thể đánh lái để nhường đường chứ không thể bạn cho xe lao xuống vực hoặc lao xuống ruộng ngay được. Tức là, khi bạn thực hiện nghĩa vụ nhường đường cho xe cứu hỏa thì bạn phải có không gian, thời gian, đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đó, chứ không phải hú còi là phải thực hiện ngay và luôn được”.
Trước đó, như đã đưa tin, khoảng 16h28 ngày 18/3, Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm cứu thương 115 tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm - Đỗ Xá hướng Hà Nam - Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe khách và xe tải, có một số người bị thương và mắc kẹt trong xe cần cứu hộ, cứu nạn.
Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC số 12 xuất một xe cứu nạn, cứu hộ và 7 cán bộ đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Do vị trí xảy ra tai nạn không thuận lợi và tình hình ùn tắc giao thông hiện tại trên tuyến đường, để tiếp cận hiện trường nhanh nhất, xe cứu hỏa đã thực hiện quyền ưu tiên, đi vào đường ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Quá trình chạy, các thiết bị đèn, còi… trên xe cứu hỏa này đều được kích hoạt sử dụng.
Tuy nhiên, trên đường đi, xe cứu nạn, cứu hộ đã xảy ra va chạm giao thông với xe khách 29B-078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Hậu quả vụ va chạm, 1 cảnh sát PCCC tử vong, 10 hành khách và cảnh sát PCCC bị thương.
Theo Dân Trí