Ngày ngày, người nghệ sĩ đã 87 tuổi vẫn giúp con bán hàng tạp hóa, lúc thong thả thì ngồi quán trà quen, đầu đội mũ len, rụt cổ trong chiếc áo cũ. Ai qua đường bất chợt nhận ra ông là “người nổi tiếng”, ông chỉ xua tay: “Các bác nhầm rồi, tôi giống người ta thôi!”.
Hỏi NSƯT Trần Hạnh, vì sao ông phải từ chối mỗi khi ai đó nhận ra mình, ông cười trong hơi thuốc: “Chẳng phải tôi khó tính gì đâu mà vì… ngại! Tôi ngại người đời chỉ dành cho mình sự thương hại vì già cả, nghèo khổ. Thú thực với chị, tôi chẳng thấy mình nghèo nên đừng ai thương hại tôi. Lương hưu 3 triệu đồng, con cháu giúp đỡ luôn, tuổi già tôi đâu có nhu cầu tiêu pha gì nhiều.
Năm trước, nhiều nghệ sĩ mất, bị bệnh… báo chí tìm đến hỏi han rồi viết về tôi hoàn cảnh quá đến nỗi có doanh nghiệp, khán giả gọi điện xin giúp đỡ, nhưng tôi chỉ cảm ơn rồi từ chối hết. Bao nhiêu người còn khổ gấp mấy lần mình”. Ông kể, nếu nói về sự vất vả thì ngày xưa ông cực khổ hơn nhiều. Từ năm 16 tuổi, ông đã làm nghề đóng giày trên phố Tràng Tiền, ngày đi làm, tối sinh hoạt đoàn kịch thanh niên đến nửa đêm. Nghề diễn đến với ông từ ngày ấy.
NSƯT Trần Hạnh trong phim Bão qua làng. Ảnh: TL |
Trước khi về sống trong căn nhà hiện tại, NSƯT Trần Hạnh đã trải qua 4 - 5 lần chuyển nhà. Từ ngôi nhà chật chội, nhiều thế hệ chung sống nằm sâu trong ngõ Phất Lộc đến nhà ở phố Hàng Tre, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bồ…
Ông tiết lộ, căn nhà bây giờ được mua bằng tiền của vợ vì ông đóng phim cả đời không mua nổi căn nhà. NSƯT Trần Hạnh cũng tâm sự, lâu rồi ông chẳng đóng phim gì và cũng không thấy ai gọi ông nữa. “Cũng phải thôi, tôi già rồi, đi lại cũng khó khăn hơn trước. Người trẻ họ không nói ra thôi chứ bản thân mình tự thấy nhiều khi không theo kịp nữa. Kể ra, có vai diễn thì vẫn vui hơn” - ông nói rồi chỉ vào chiếc xe Honda 82 bụi phủ ở góc nhà - “Hồi được gọi đi diễn, tôi vẫn tự đi xe, nhưng sau cái lần bị tai nạn phải vào viện cấp cứu, bị gãy xương vai nằm ở nhà nửa năm trời thì tôi sợ hẳn”.
Qua các vai diễn hiền lành, chất phác như một lão nông trên phim truyền hình, tên tuổi NSƯT Trần Hạnh trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Ông cũng từng được vinh danh qua giải thưởng Cống hiến cho vai diễn trong phim Ngõ lỗ thủng (đạo diễn Quốc Trọng) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2010. Mấy chục năm đóng phim, NSƯT Trần Hạnh nổi tiếng “quê” đến mức chẳng bao giờ hỏi tiền cát-xê, thậm chí còn luôn băn khoăn, sao người ta trả cho mình nhiều tiền thế.
“Có lần, đạo diễn Tất Bình mời tôi sang Nhật Bản đóng phim 1 tuần, rồi về dúi tay tôi 20 triệu đồng làm tôi phát… run lên. Tôi một mực không cầm vì thấy mình có làm được gì lớn đâu, nhưng chú ấy động viên tôi. Tình nghệ sĩ với nhau đừng áy náy tiền bạc”, ông tâm sự.
Đang dở cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Hạnh thì chị Hồng - con dâu ông bước vào nhà. Chị lúi húi chuẩn bị thức ăn trong căn bếp hơn 10m2 đơn giản. “Cháu nó bán hàng ngay gần đây, con dâu mà tôi thương như con gái ấy. Từ ngày bà nhà tôi mất, thấy tôi một mình lo cơm nước, nó thường mua thức ăn, dọn dẹp nhà cửa cho có người, có tiếng”, ông chia sẻ.
NSƯT Trần Hạnh có 7 người con, trong đó hai người con ông thương nhất là con trai út, sau tai nạn xe máy đầu óc không được bình thường khiến ông từng vất vả chăm sóc nhiều năm, nay đã hơn 40 tuổi vẫn chưa vợ con. Người nữa là cô con gái qua đời ở nước ngoài, chính ông phải lặn lội sang tận nơi mang tro cốt của con về.
Con dâu của NSƯT Trần Hạnh chia sẻ, ở khu phố này, ông được tiếng chiều vợ, thương con. Thời mẹ chồng chị còn sống, mỗi lần bà thích ăn phở, ông đều mang cặp lồng tìm đến quán bà thích mua mang về. Từ ngày vợ mất, năm nào mồng một Tết ông cũng đi chùa, bất kể trời mưa hay nắng. Chính NSƯT Trần Hạnh cũng không ngờ, hai con người cùng cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thuở nào lại sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Hơn 20 tuổi, chàng trai Hà Nội đang làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì nhận được điện khẩn với nội dung: “Về ngay, mẹ sắp mất!”. Đến nhà, ông mới biết mình bị ép cưới vợ với cô hàng xóm cùng ngõ.
“Ngày mẹ tôi bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, lúc nào, bố tôi cũng dậy từ 5 - 6h sáng, tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, quét tước nhà cửa, thu dọn chăn màn, vệ sinh cho bà. Nhiều đêm trở trời, lo bà mất ngủ, ông trằn trọc suốt đêm. Mà không chỉ với mẹ, ngay đến chú út, giờ ông vẫn phải chăm sóc, bảo ban như đứa trẻ”, chị Hồng nói.
Tiếp lời con dâu, NSƯT Trần Hạnh nhắc sắp thêm một cái Tết ông lẻ bóng một mình. Kể từ ngày vợ mất, ông gần như quên Tết. Bánh chưng, kẹo mứt đã có con cháu mang đến thắp hương, nhà lại chỉ hai bố con sống, bày biện gì nhiều. “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Mình không thay đổi được thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”, ông nhắc lại câu vẫn mang ra dặn dò con cái suốt nhiều năm.
Ngoài đời, NSƯT Trần Hạnh không khác những vai diễn là mấy, vẫn dáng vẻ hiền lành, khắc khổ như từ “thời bao cấp”. Gần 90 tuổi, ông có thú vui ngồi quán nước với điếu thuốc lá trên tay. Ông trầm ngâm: “Mỗi năm, cứ đến cái đận gần Tết này lại buồn. Hồi bà ấy còn, chiều 30 nào tôi cũng chở đi chợ hoa. Nhà nghèo khó thì Tết đến, thể nào bà ấy cũng cắm một lọ hoa đủ loại cúc, hồng, thược dược, lay ơn… thật đẹp”. Đi gần hết cuộc đời, người nghệ sĩ ấy đã an lòng với tất cả những gì mà số phận đã sắp đặt cho mình. Ông kể, báo chí viết về ông khá nhiều nhưng ông chẳng giữ lại bất cứ tờ báo nào bởi ông quan niệm, tình yêu và kỷ niệm, tất cả đều nên giữ lại trong lòng.
Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (từ năm 1984), nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện phong tặng danh hiệu NSND, ông khẽ lắc đầu: “Nhiều năm trước tôi đã xác định sẽ dừng ở đây thôi. Thủ tục, bầu bán vốn lắm chuyện, vả lại tôi không quan trọng mấy danh hiệu đó. Nói như đạo diễn Tất Bình, quý nhau ở tình nghệ sĩ. Và với tôi, nếu khán giả còn nhớ đến mình thì đã may mắn lắm rồi”.
Theo Zing