Đường Tăng gặp họa ở Động không đáy

Thứ tư, 21/08/2013, 07:50
Một cảnh quay ở "động không đáy" khiến nhân vật Đường Tăng của Trì Trọng Thụy xém mất mạng vì dây cáp bị đứt giữa chừng.

Mùa hè năm 1987, đoàn Tây Du Ký xuất phát từ Bắc Kinh đến thành phố Hải Tân, Yên Đài, tỉnh Sơn Đông để tiến hành khởi quay tập 22 – Bốn lần xuống Động Không Đáy.

Các cảnh quay nội cảnh cho Động Không Đáy được thực hiện tại phòng tập của Đoàn Lữ kịch thuộc thành phố Yên Đài. Những bức tường đá bên trong Động Không Đáy đều là những vật liệu đã qua quá trình dùng nhiệt và sức ép để tạo hình và ghép lại. Bên cạnh đó, để tạo hiệu ứng giống như thật, đội ngũ đạo cụ và mỹ thuật, ánh sáng đã lợi dụng mọi điều kiện có thể để tạo nên một động phủ của loài chuột thật lung linh và rực rỡ.

 - 1

Bìa tập 21 - Bốn lần xuống Động Không Đáy.

Nhân vật chính trong tập này là yêu tinh chuột, người thể hiện vai diễn trên chính là nữ diễn viên Thường Thanh - đồng nghiệp của Từ Thiếu Hoa (đóng vai Đường Tăng) của đoàn phim Tây Du Ký. Cả hai đều là những diễn viên công tác tại Viện kịch nói Sơn Đông.

Có lẽ đặc điểm chung của người Sơn Đông là dáng người cao to, kể cả nam lẫn nữ. Trong số này, Thường Thanh không phải một ngoại lệ. Cô có dáng người khá cao to, hơn hẳn so với các nữ diễn viên khác trong đoàn. Trong khi vai diễn yêu tinh chuột thường khiến người ta nghĩ ngay đến một người đẹp vừa nhỏ nhắn, yêu kiều và thon thả.

Thế nhưng đó chỉ là những ý nghĩ ban đầu, đợi sau khi Thường Thanh hóa trang và vài vai, ai nấy đều cảm nhận thấy ở cô đúng là một nữ yêu tinh chuột thực thụ. Kỹ năng diễn và nhập vai của Thường Thanh khá tinh tế, vừa gợi cảm vừa quyến rũ nhưng cũng không kém phần nanh ác, hiểm độc.

Diễn xuất của Thường Thanh đã cho người xem thấy sự kết hợp giữa một cô sơn nữ vừa yếu đuối, trong trắng và thuần khiết, nhưng ẩn bên trong lại là một yêu nữ vô cùng hiểm ác. Với vai diễn này, Thường Thanh đã thể hiện nhân vật yêu tinh chuột một cách sống động và đầy màu sắc, đa nhân cách.

 - 2

 - 3

 - 4

Tạo hình yêu tinh chuột của diễn viên Thường Thanh.

Điểm hạn chế ở sàn tập của Đoàn Lữ kịch là không có trang bị lọa quạt gió cỡ lớn. Đoàn phim đành phải sử dụng đến sức gió của hàng chục chiếc quạt điện được huy động mượn từ đoàn kịch địa phương.

Lúc mới tiến hành quay, những chiếc đèn hàng trăn kilowat trang bị trong khu vực quay bắt đầu tỏa sức nóng cực đại, khiến nhiệt độ trong phòng tăng lên quá nhanh, đồng thời cao hơn so với nhiệt độ bên ngoài. Điều này khiến nhân viên trong đoàn đều cảm thấy nóng bức khó chịu vô cùng.

Hơn nữa, thiết bị máy quay cũng không kém con người khi liên tục xảy ra sự cố, "tậm tịt" liên tục. Chính rắc rối này khiến đoàn phim Tây Du Ký phải “sống chung với lũ”, tức là vừa quay vừa nghỉ, khi nào máy “đơ” thì dừng, đợi máy phục hồi lại tiến hành quay tiếp.

Khi quay cảnh Đường Tăng bị yêu tinh chuột bắt giam ở Động Không Đáy, trong cảnh đưa Đường Tăng từ miệng động xuống dưới động phủ đòi hỏi phải sử dụng dây cáp. Để quay cảnh này, Trì Trọng Thụy (vai Đường Tăng) được kéo từ độ cao 7 – 8m và thả xuống sàn. Các nhân viên đạo cụ và kỹ thuật đã tính toán chi tiết cân nặng cũng như chiều cao của Trì Trọng Thụy, độ bền của dây cáp. Để tăng thêm phần chắc chắn, nhân viên kỹ thuật còn bện thêm một sợi dây bảo hiểm.

 - 5

Yêu tinh chuột dùng phép thuật đưa Đường Tăng xuống động phủ.

Trong quá trình quay thử, mọi việc đều diễn ra hết sức suôn sẻ. Thế nhưng khi thực hiện tiến hành quay thật, khi Trì Trọng Thụy được kéo còn cách mặt đất khoảng 2m, dây cáp xảy ra sự cố và một sợi bị đứt giữa chừng. "Đường Tăng" bị mất thăng bằng và ngã lộn nhào một vòng, các nhân viên cuống cuồng nới lỏng dây còn lại, tránh không để anh bị rơi thẳng xuống đất. May mắn là cảnh quay diễn ra êm đẹp, Đường Tăng tiếp đất an toàn mà không xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Cũng trong tập 22, ngoài những cảnh trong động phủ đã được thực hiện quay nội cảnh, còn xuất hiện khá nhiều những cảnh giao đấu cần quay ngoại cảnh. Tuy nhiên thời gian này đoàn đã trở lại Bắc Kinh, trong khi tháng 11 sắp tới sẽ phải bay sang Thái Lan để ghi hình ngoại cảnh cho những tập cuối. Nếu tiến hành đi tìm cảnh lúc này sẽ mất khá nhiều thời gian, từ việc di chuyển cho đến tìm bối cảnh quay, hơn nữa còn phải chuẩn bị mọi công tác trước ngày sang Thái Lan. Do đó, không thể tiến hành quay ngoại cảnh ngoài khu vực thủ đô Bắc Kinh.

Trong lúc bí bách, thiết kế mỹ thuật của đoàn là Mã Vận Hồng đã đề xuất với đạo diễn Dương Khiết nên tiến hành quay ở khu vực chùa Giới Đài ở núi Tây thuộc ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Đạo diễn Dương nhận thấy ý tưởng này khá phù hợp với hoàn cảnh của đoàn hiện tại nên đã sắp xếp cho đoàn tới chùa Giới Tự để quay ngoại cảnh cho tập Bốn lần xuống Động Không Đáy.

 - 6

Một cảnh quay được thực hiện ở khuc vực chùa Giới Đài.

Khu vực chùa Giới Đài vốn là một địa điểm khá quen thuộc với đoàn Tây Du Ký, đồng thời là nơi được đạo diễn Dương khá hài lòng cho những cảnh quay được tiến hành ở đây. Không ít các cảnh quay cả chính lẫn quay bổ sung đều được đoàn tận dụng tiến hành quay ở chùa Giới Đài. Trong số đó có thể kể đến cảnh trong tập 13 – Trừ yêu nước Ô Kê,  tập 15 – Đấu phép hạ tam quái... Một kỷ niệm "nhớ đời" đối với đoàn Tây Du Ký là lần Lục Tiểu Linh Đồng bị ngã bất tỉnh trong một lần đoàn tiến hành quay ở khu vực này.

Đoàn phim Tây Du Ký nhiều lần chọn chùa Giới Đài làm nơi quay những cảnh ngoại cảnh, bởi khu vực này nằm ngay kề cận Bắc Kinh, hơn nữa cảnh sắc nơi này vừa đẹp lại vừa phù hợp với các cảnh quay của phim. Cảnh chùa chiền, những danh thắng cổ kính, phía trước và sau núi đều um tùm cây cối tốt tươi, đặc biệt là những cây tùng, cây bách cổ thụ thả dáng thâm nghiêm. Ưu điểm của nơi này còn là nơi có khá ít du khách lui tới, vì vậy có thể chọn bất kỳ địa điểm nào ở đây để quay.

 - 7

Cảnh quay trong tập Đại chiến Hồng Hài Nhi thực hiện ở khu vực chùa Giới Đài.

 - 8

Cảnh trong tập Trừ yêu ở nước Ô Kê thực hiện bên trong chùa Giới Đài.

Cảnh vật ở đây cũng phù hợp với rất nhiều khung cảnh của những địa điểm quay khác. Vì vậy, với những cảnh quay không phù hợp, đoàn phim có thể tìm đến khu vực chùa Giới Đài để quay bổ sung. Còn nhớ một số cảnh trong tập Đại chiến Hồng Hài Nhi, vốn được quay tại khu vực núi Trường Bạch, tỉnh Cát Lâm do không được duyệt nên đã được tiến hành quay lại bổ sung ở khu vực chùa Giới Đài, Bắc Kinh.

Cảnh quay của tập 21 được thiết kế mỹ thuật Mã chọn những địa điểm có bối cảnh là rừng cây tươi tốt. Còn cảnh cửa động trông giống như miệng một chiếc giếng, nhóm đạo cụ và mỹ thuật đã sử dụng miếng gỗ mít để tạo một tấm bia đá, bên trên có đề 6 chữ "Hạm không sơn vô đế động". Bên trên phủ một ít hoa cỏ xung quanh miệng, chỉ loáng một chốc đã hoàn thành ngoại cảnh cho cửa động. Hơn nữa, xung quanh đều là cảnh cây rừng rậm rạp, tươi tốt càng khiến cho cảnh vật trở nên hoang sơ và âm u.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn