"Phép thử" Nguyễn Ánh 9!

Thứ sáu, 30/08/2013, 19:09
Sau ngần ấy thời gian bị “cuốn” vào cơn sóng trong tình cảnh bất đắc dĩ, vị nhạc sĩ ở độ tuổi thất thập này đã chia sẻ “ruột gan” với PV. Người viết cũng mong rằng, chia sẻ này sẽ là “dấu chấm hết” để khép lại mọi thị phi, bàn cãi.

Phút trải lòng của vị nhạc sĩ “chuyên trị” những bản tình ca bất hủ Tình khúc chiều mưa, Đêm nay ai đưa em về… với giới truyền thông, đã khiến showbiz dậy sóng suốt tuần qua. Đầy đủ các cung bậc cảm xúc, từ sự phản đối đến đồng cảm có đủ cả. Trong cuộc trò chuyện mới nhất với PV - như một câu chuyện không vui khép lại, chúng tôi cảm nhận được ở nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 những tình cảm, sự sâu sắc mà ông đã bộc bạch.

Phút trải lòng

Tôi vốn là người Nam bộ nên “lời ăn tiếng nói” rất chân chất, không khéo léo để “lấy lòng”. Cũng vì thế, hoàn toàn có thể “phật lòng” người nghe! Song, những gì tôi đã chia sẻ vốn đã chất chứa trong tôi từ lâu. Khi nhìn nhận về âm nhạc nước nhà mà hiện nay mọi người vẫn nhìn nhận chung là hoạt động thuộc giới showbiz.

Mọi người, dù có là chuyên gia, hay được vinh danh  là “cây đa - cây đề”… cũng không thể  đưa ra nhận định về mọi lĩnh vực. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật này và cũng chẳng “mưu cầu” trở thành nhà phê bình...  Điều tôi chia sẻ, là những trải lòng về một vài ca sĩ (đa phần là ca sĩ tên tuổi, thành danh và có cả “sao” hiện nay - PV) đã  từng thể hiện ca khúc của tôi.

Tôi hoàn toàn không đánh giá trình độ chuyên môn hay giọng hát của các ca sĩ khi họ thể hiện mọi dòng nhạc mà chỉ nêu ý kiến của mình về cách họ hát nhạc của tôi - NS Nguyễn Ánh 9 nhấn mạnh. Điều này phần nào thể hiện ở việc khi “chê” một ca sĩ được xếp vào hàng diva hiện nay, tôi vẫn nói rằng cô ấy thể hiện bài hát của tôi không có cái hồn, dù rằng giọng rất đẹp!

Tôi nêu lên quan điểm của cá nhân khi nhìn nhận ca sĩ thể hiện tác phẩm của tôi bởi một cách nào đó (dù vô tình hay cố ý), khi trình bày một ca khúc, bên cạnh việc thể hiện “cái hồn” mặc định của từng tác phẩm (mang yếu tố chủ quan của nhạc sĩ) đều có “cái tôi” của ca sĩ. Có thể hiểu một cách nôm na, tác phẩm như đứa con của nhạc sĩ. Khi ca sĩ thể hiện bài hát đó chính là lúc họ “mặc áo, hay thậm chí là đeo trang sức” cho đứa bé, rồi đem ra giới thiệu với công chúng, với người nghe.

Và thật hoàn hảo khi phần “hồn” của đứa trẻ được thể hiện ngay từ hình thức, quần áo… Bởi, không phải tất cả các bộ quần áo (dù là mẫu mã lộng lẫy) đều phù hợp với mọi đứa trẻ. Và sẽ “tội lắm” nếu đứa trẻ phải mặc những bộ đồ không tương thích, thậm chí ít nhiều mang hình ảnh “quái dị”! Bài hát cũng vậy, có bài cần thể hiện ở một không gian sâu khấu lớn, nhưng cũng có bài  phù hợp với không gian nhỏ, ấm cúng. Có bài chỉ cần đệm bởi một cây đàn ghi-ta  và cũng có bài cần cả dàn nhạc hoành tráng…

Tóm lại, những nhận định của tôi chỉ gói gọn trong việc một vài ca sĩ dù đã được vinh danh là diva, được gọi là “sao”, nhưng họ cũng đã có lần “mặc trang phục chưa phù hợp” cho những đứa con của tôi… Thế thôi!  

Với tôi, cuộc sống bình yên vốn có của mình là điều quan trọng! 

Đó cũng là cảm giác bình yên và nhẹ nhàng như hình ảnh hàng đêm vị nhạc sĩ tài hoa này lướt ngón đàn của mình trên chiếc dương cầm để đồng cảm với đông đảo khán thính giả yêu thương dòng nhạc của ông. (- PV).

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9

Được  nhiều hơn mất

Trong “cơn sóng” đã xuất hiện đa chiều dư luận, khi đưa ra quan điểm với giới truyền thông, NSND Trần Hiếu khẳng định: “Cần người cảnh tỉnh cho âm nhạc nước nhà như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9! Còn nếu cứ ca ngợi “sao” này, “sao” kia thì sân khấu nghệ thuật Việt Nam sẽ ngày càng tù mù lắm”.

Khi tiếp nhận thông tin này, nhạc sĩ của Đêm nay ai đưa em về cho rằng, một cách nào đó có thể hiểu những chia sẻ này chính là “tinh thần” mà ông hướng đến, muốn thể hiện sau tất cả những trải lòng của ông với giới truyền thông.

Nhưng qua cái nhìn lạc quan hơn của không ít người, “cơn sóng” này, cái “được” nhiều hơn “mất”. Bởi từ tiền lệ này sẽ là “cú hích” để việc tiếp cận với văn hóa phê bình và tiếp thu phê bình trong giới showbiz sẽ cần được trở nên bình thường hơn, văn hóa hơn và ở tầm cao hơn. Để công chúng yêu nhạc có thêm niềm tin về bức tranh của âm nhạc Việt Nam nói riêng và của cả giới showbiz sẽ  trở nên sạch hơn và đẹp hơn…

Không chỉ thế, với tất cả ứng xử của những người trong cuộc, qua “cơn sóng” này còn xác định được  trình độ văn hóa nói chung hay văn hóa ứng xử nói riêng của không ít người thuộc giới showbiz.

Với tất cả những hệ lụy và hệ quả  sau “cơn sóng” này, có thể xem lời chia sẻ “ruột gan” của NS Nguyễn Ánh 9 như  một “phép thử”. Với “Phép thử” này sẽ khiến công chúng nhận diện, phân biệt tầm cao thấp của không ít gương mặt?!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn