Đã đến lúc sa thải Mourinho?

Thứ tư, 01/05/2013, 00:43
Vị huấn luyện viên chỉ quen với việc ra đi trong tư thế chiến thắng ấy có lẽ sẽ phải làm quen với việc ra đi bằng cửa sau, nếu ông không thể giúp Real Madrid đảo ngược thế cờ trước Dortmund, tại Bernabeu.

Mourinho luôn ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu

Hình ảnh đáng nhớ nhất về Mourinho sau khi cùng Porto đăng quang Champions League 2004 có lẽ là hành động lặng lẽ cất tấm huy chương và sau đó rút lui nhanh vào đường hầm của ông. Đó cũng đã trở thành một thói quen của ông sau này: Ra đi trên đỉnh cao.

Mourinho cũng đã rời Inter Milan ngay sau cú ăn ba lịch sử vào năm 2010. Tại Chelsea, dù không thành công trong những ngày cuối, thì Mourinho vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp, và có một lý do sau này đã trở nên khá quen thuộc để giải thích cho thất bại của các HLV ở đây: Quyền lực đen trong phòng thay đồ.

Một cách khôn ngoan, ông luôn ra đi bằng cửa chính. Mourinho chưa để một vết bẩn đáng kể nào vương lên trên hồ sơ của ông. Bản CV gần như không tì vết ấy lại giúp ông tiếp tục dễ dàng tìm được công việc mới.

Mourinho

Mourinho luôn ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu

‘Bí quyết’ của Mourinho có lẽ là dừng lại ở những ký ức đẹp nhất để tăng giá trị cất giữ, giống như một ngôi sao rời sàn diễn ở thời kỳ xuân sắc nhất. Tất nhiên, trong mỗi quyết định ra đi cũng bao hàm cả mong muốn tìm một thử thách mới, sau khi đã lên đến đỉnh cao với cái cũ.

Trục trặc ở Madrid

Nhưng đây có lẽ là mùa bóng khó khăn nhất từ trước đến giờ đối với Mourinho. Real Madrid đã hết hy vọng ở Liga, sắp bị đánh bật khỏi Champions League một cách hoàn toàn thuyết phục bởi một đội bóng còn non trẻ của nước Đức, Borussia Dortmund.

Quan trọng hơn, trong 3 năm cầm quyền, ông Mourinho đã tạo ra ấn tượng rất xấu với những người Madrid và dư luận TBN, và mùa bóng này là đỉnh điểm mâu thuẫn. Từ chỗ chỉ thù địch với các cá nhân đối địch, là các cầu thủ đối phương, HLV, trọng tài, báo chí, và thậm chí là... trợ lý HLV (hãy nhớ lại vụ chọc mắt Tito Vilanova), HLV người Bồ đang biến chính người của ông thành mục tiêu để ném vào đó sự hằn học.

Ông trừng phạt Sergio Ramos, cố tình bỏ quên Casillas, cố gắng thiết lập lại quyền lực trong sự phẫn nộ của người Madrid. Những hành động của ông bị coi là phản lại truyền thống hào hoa của đội bóng áo trắng.

Khi việc xây dựng hình ảnh thất bại, Mourinho chỉ còn thành tích để bấu víu. Nhưng giấc mơ Decima, tia hy vọng cuối cùng để ông có thể ra đi bằng cửa chính, đang là một khe cửa quá hẹp, sau thất bại 1-4 trước Dortmund ở bán kết lượt đi.

Những rủi ro của Madrid nếu Mourinho ra đi

Sự lừng khừng của Chủ tịch Florentino Perez trong trường hợp của Mourinho có lẽ không chỉ đến từ mức bồi thường trên lý thuyết có thể lên đến gần 40 triệu euro của ông (cho 3 năm hợp đồng còn lại, mỗi năm lương của Mourinho là 13 triệu), mà còn đến từ rủi ro có thể dự báo được sau khi Mourinho ra đi.

Hầu hết các đội bóng sau khi chia tay Mourinho đều lụn bại ngay sau đó. Ví dụ điển hình nhất là Inter Milan, rơi từ cú ăn ba lịch sử 3 năm trước xuống địa vị một đội hạng khá tại Serie A. Chelsea sau kỷ nguyên Mourinho cũng chưa bao giờ đạt được sự ổn định dưới thời HLV người Bồ. Lý do? Mourinho có xu hướng áp đặt cái tôi của ông lên đội bóng, một sự áp đặt tuyệt đối. Các đội bóng mà Mourinho từng dẫn dắt thể hiện rất rõ cá tính của ông, nhưng cũng mất đi cá tính ấy rất nhanh sau khi Mourinho ra đi.

Cách quản lý toàn trị ấy khá giống với phương pháp của HLV Alex Ferguson tại Manchester United. HLV người Scotland nắm toàn bộ quyền hành tại M.U, bao gồm cả quyền ‘sinh sát’ với số phận các cầu thủ. Jaap Stam, van Nistelrooy, Beckham.v.v là những ngôi sao có dấu hiệu chống đối lại quyền lực tuyệt đối của Sir Alex, và họ phải ra đi.

Mourinho

Nhưng lần này, Mourinho có thể phải rời Real trong cay đắng

Tại Madrid, khi quyết định sa thải Giám đốc thể thao Jorge Valdano để mở rộng quyền lực của Mourinho, và làm ngơ cho HLV người Bồ trừng phạt biểu tượng Casillas, Chủ tịch Perez đã dấn thân vào một canh bạc: Chấp nhận việc Madrid là ‘con tin’ của Mourinho, và việc ông rời đội bóng thời điểm này có thể tạo ra một sự sụp đổ hệ thống, bắt nguồn từ sự chia rẽ vốn có trong phòng thay đồ Madrid.

Nhưng không thể tránh khỏi

Chính Mourinho đã thừa nhận rằng mùa sau, ông không còn là HLV của Real Madrid nữa. Đội bóng áo trắng sẽ không còn một cá tính nào thống nhất ý chí nữa, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi.

Vì thế, thất bại trước Dortmund có thể là thời điểm thích hợp để ông Perez giải thoát Madrid khỏi vị trí của một ‘con tin’ trong tay Mourinho. Đó giống như sự phủ nhận kiên quyết với kiểu quản lý ‘độc tài’ của Mourinho và trao trả niềm tin trở lại cho tập thể, khi buộc Mourinho phải ra đi bằng cửa sau, không còn tư thế ngạo nghễ vốn có trước đây.

Đó sẽ là cơ sở cho một mùa bóng mới, dù sẽ là mùa bóng đầy chông gai và thử thách. Madrid phải đập đi và xây lại gần như toàn bộ, sau khi những giá trị cốt lõi của đội bóng đã chịu quá nhiều tổn thương dưới thời HLV Mourinho. Nhưng khi mọi việc là không thể tránh khỏi, hành động sớm hơn là điều Madrid cần làm. Bắt đầu từ việc bị loại ở Champions League.

Theo Khám Phá

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn