Ông Viễn là người chẳng xa lạ gì với làng bóng Việt Nam. Thậm chí trong giới chuyên môn ở VFF, ông Viễn được đánh giá rất cao về năng lực và khả năng nhìn xa trông rộng.
Hơn chục năm trước ông Viễn còn là “cha đẻ” của đề án bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam dẫn tới sự ra đời của V.League. Bóng đá Việt Nam được khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp từ đó, với sự đầu tư rầm rộ của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Viễn (phải) không tái tranh cử Phó Chủ tịch chuyên môn VFF
Điểm nhấn trong sự nghiệp của ông Viễn, chính là vị Phó Chủ tịch VFF này cũng chính là “kiến trúc sư trưởng” chấp bút cho bản đề án phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là một đề án có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của bóng đá nước nhà, với mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á.
Được đánh giá cao và có cơ hội lớn tái đắc cử ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, nhưng ông Viễn đã chính thức xin rút lui.
Lý do được ông Viễn đưa ra là muốn tạo cơ hội cho lớp trẻ, nhưng ai cũng biết ông muốn tập trung vào công việc quản lý, điều hành tại VPF, trong vai trò một TGĐ. Bản thân ông Viễn cũng thừa nhận, rất khó có thể làm tốt cùng một lúc hai công việc lớn, và ông đã lựa chọn công ty VPF. Dù vậy, ông sẽ vẫn ứng cử vào BCH VFF nhiệm ký tới.
Chiếc ghế Phó Chủ tịch tưởng như rất “nóng”, cuối cùng đã không còn có cuộc đua hấp dẫn, kịch tính như nhiều người mong đợi. Trong danh sách giới thiệu của các tổ chức thành viên, có 4 ứng cử viên cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF là ông Phạm Văn Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, PCT VFF), ông Phạm Ngọc Viễn (PCT VFF, TGĐ VPF), ông Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng Tổng cục TDTT, Nguyên TTK VFF) và ông Phan Anh Tú (TTK LĐBĐ Hà Nội).
Tuy nhiên, trước ông Viễn, hai ông Trần Quốc Tuấn và Phan Anh Tú cũng tỏ ra không mặn mà với chiếc ghế này. Như vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn gần như sẽ trúng cử, sau khi ông này không tranh cử ghế Chủ tịch.
Theo VNN