Quả thực tôi có theo dõi hiện tượng cộng đồng mạng liên tục xảy ra những sự việc giới trẻ tung ảnh, clip nóng gây chú ý, tạo cơn sốt. Điển hình nhất là hai nhân vật có biệt danh: B.T và Q.K. Hệ quả của việc hai nhân vật này khuấy đảo trên Facebook là sự hỗn loạn của dư luận, nặng nề hơn là việc định hình xu hướng phát triển cho giới trẻ nói chung.
Tiến sĩ Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, Bí thư Đoàn kiêm giảng viên trường ĐH Công đoàn
Phát triển nhờ sự tiếp tay của cộng đồng mạng và một số trang tin
Theo tôi, nguyên nhân khiến cho những nhân vật có hành vi “lạ” này thu hút nhiều người xem như vậy trên hết là do sự tò mò. Và để thỏa mãn sự tò mò, cái gì càng lạ, càng khác với bình thường, dư luận càng thích xem.
Lí do thứ hai là do mạng xã hội, internet và thiết bị số đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho những cá nhân thích gây sốc, nổi tiếng lợi dụng.
Người trẻ thời nay có xu hướng ưa chuộng giải trí trên mạng, ngồi máy tính nhiều hơn là xem ti vi, đọc báo giấy để cập nhật thông tin. Do đó, chính cộng đồng mạng là cái nôi phát tán những clip, hình ảnh phản cảm cho dù là vì mục đích phê phán hay khuyến khích. Cùng với đó là sự giúp sức của một số trang tin "lăng xê" cho những cá nhân này bằng cách liên tục đưa tin bài, khiến cho những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam lan rộng.
Sâu xa hơn là do kinh tế, trong thời điểm khủng hoảng vẫn chưa giảm mà dịp hè thời giờ nhàn rỗi của giới trẻ tương đối nhiều, bạn trẻ không có nhiều tiền để phung phí nhưng nhu cầu giải trí thì vẫn cao.
Dù vậy, đi du lịch thì đắt đỏ, tụ tập bạn bè cũng tốn vài chục đến vài trăm ngàn, ra sân Mỹ Đình xem đội bóng Arsenal cũng mất từ 500.000 đến 1,5 triệu/ vé thì việc ngồi nhà ôm điện thoại, máy tính xem B.T, Q.K để lấp chỗ trống, thoả mãn trí tò mò là một trong những chọn lựa tự nhiên.
Tín hiệu giáo dục sai lầm dành cho giới trẻ
Những người trẻ gây sốc bằng ảnh nóng, clip nóng, họ biết nắm bắt "điểm yếu" của công chúng. B.T nắm được tâm sinh lý của đàn ông thích nhìn ngực phụ nữ (theo như một cuộc điều tra xã hội học ở phương Tây là có đến hơn 70% cái nhìn đầu tiên của người đàn ông là nhìn vào ngực phụ nữ). Q.K khoe phần kín của mình cũng là một hình thức khêu gợi sự tò mò và ham muốn của con người.
Nhưng sự hiểu biết về bản chất con người lại dẫn đến hành động suy đồi đạo đức như việc tự đưa mình vào clip có tính chất khiêu dâm để mong trở thành người nổi tiếng thì lại thể hiện sự lụi tàn dần về văn hóa.
Hành động này đã đưa đến một tín hiệu giáo dục sai lầm cho giới trẻ về con đường để trở thành trung tâm của sự chú ý.
Dường như sự nổi tiếng của hai nhân vật này quá dễ dàng, gạt bỏ tất cả sự sĩ diện cá nhân, càng bị ném đá họ càng cảm thấy tự hào và thành công. Thông thường con người sẽ có cảm giác xấu hổ khi bị mọi người chỉ trích, nhưng các bạn trẻ này thì không. Chính sự trơ lì của nhân vật chính khiến cho dư luận bị bối rối không rõ cách nhìn nhận của mình đúng hay đối phương đúng.
Nguy hiểm hơn, độ phủ sóng của các nhân vật này càng cao, càng kéo dài thì dư luận càng bị lạc lối và nghiễm nhiên chấp nhận một hiện tượng "lạ" trở thành quen thuộc.
Trên thực tế, sự nổi tiếng này chưa chắc đã mang lại giá trị hữu ích cho B.T, Q.K, càng không mang lại sự sáng tạo cho văn hóa nước nhà. Đó không phải là hình ảnh của sự thành công, của những lao động chân chính, vất vả, cực nhọc bằng mồ hôi nước mắt để trở thành người nổi tiếng được xã hội công nhận nên tất yếu cũng sẽ chóng tàn.
Áo dài truyền thống cũng bị không ít cô gái trưng dụng để tung ảnh hở hang câu "view", câu "Like"
Ngăn chặn bằng truyền thông
Biện pháp ngăn chặn trực tiếp nhất mới đây đã đưa vào dự thảo nghị định “phạt người thả rông vòng 1”, có nghĩa là CẤM. Trước mắt, đây là biện pháp có thể áp dụng tức thời, nhưng về lâu dài sẽ bộc lộ yếu điểm là bị động trước hầu hết các hành vi phản cảm khác.
Điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh sân chơi tinh thần. Nơi được cho là có tính giáo dục và tuyên truyền mạnh nhất đến suy nghĩ và hành vi của thanh niên hiện nay chính là truyền hình và Internet.
Tuy nhiên, những show truyền hình ở Việt Nam thời gian gần đây dường như quá chú trọng vào "câu view" nên ít dành sân chơi cho những thanh niên “thường dân” được tham gia. Nếu có chương trình giáo dục, sân chơi bổ ích cho thanh niên thì cũng phát vào khung giờ mọi người khó có thời gian theo dõi.
Những kênh giờ vàng chỉ dành cho các chương trình lấy bản quyền nước ngoài mang tính giải trí kiểu showbiz, nhiều sạn, lắm tai tiếng. Hơn nữa những chương trình này lại phô trương sự xa hoa (điều này đang đối nghịch và xa rời với sự khó khăn và khủng hoảng tài chính ngoài xã hội của người dân). Vậy thì khán giả trẻ sẽ học được điều gì?
Còn với Internet, kiểm soát nó đã là bài toán khó chứ chưa nói đến việc thiết lập hệ thống giáo dục và xây dựng môi trường văn hoá cho giới trẻ tại đây. Những nhà hoạch định chính sách và quản lý nên quan tâm sát sao hơn tới việc làm trong sạch, lành mạnh hoá môi trường Internet và mạng xã hội để người trẻ có cái nhìn đúng hướng.
Theo tôi, giới trẻ luôn thích cái mới, độc đáo cho nên đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến văn hóa sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo này cần có có định hướng đến những giá trị văn hóa, chuẩn mực của xã hội. Điều này là một trọng trách của truyền thông đại chúng, một môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến cách hành xử của con người.
Theo Dantri