Bầu Đức: “Lương 40 triệu đồng/tháng vẫn quá cao”

Thứ năm, 30/08/2012, 10:00
Đây là phát biểu của bầu Đức trước thông tin VFF từng đề nghị các ông bầu trả lương tháng cho cầu thủ dự V-League ở mức 30 triệu đồng hay 40 triệu đồng/người.
Ông Đức nói: “30 triệu đồng hay 40 triệu đồng/cầu thủ/tháng vẫn là mức lương quá cao. Dù đá bóng là loại hình lao động đặc biệt nhưng mức lương như trên khó có thể chấp nhận. Các đội khác thế nào tôi không biết, với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lương tháng tối đa chỉ 25 triệu đồng”.
 
Bóng đá chưa tự nuôi được mình trong khi làm ăn ngày càng khó khăn, ông giải bài toán ấy như thế nào?
 
- Khi làm bóng đá, doanh nhân nào cũng có mục đích chung là sử dụng bóng đá để quảng bá thương hiệu. Sau hơn 10 năm làm bóng đá, tôi cho rằng quảng cáo thông qua bóng đá là dễ tác động nhất, hiệu quả nhất. Tóm lại, mỗi doanh nhân có cách tính toán khác nhau trong việc phát triển thương hiệu, sản phẩm. Và mọi bài toán đều có lời giải với người trong cuộc.
 
 
Bầu Đức không lôi kéo ngôi sao về HAGL bằng cách trả lương cao
 
Ông từng phàn nàn rằng việc có nhiều ông bầu vung tiền mua cầu thủ vô tội vạ với tiền chuyển nhượng quá cao. Theo ông, việc này sẽ được giải quyết ra sao?
 
- Vài năm trở lại đây, HAGL không tham gia thị trường chuyển nhượng bởi chúng tôi đã và đang có những cầu thủ kế thừa do CLB đào tạo. Tôi đi trước nhiều ông bầu khác một bước là đầu tư cho bóng đá trẻ để thu hoạch thành quả của riêng mình.

Tôi dám khẳng định sau năm 2014 - khi lứa cầu thủ trẻ HAGL liên kết đào tạo với Arsenal ra lò - chúng tôi sẽ lấy lại hoàn toàn vốn đầu tư trong bảy năm qua. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng tôi hoàn tất việc tự cung tự cấp, thậm chí còn có thừa “sản phẩm” chất lượng cao để nhượng lại cho các CLB khác.

 
Theo ông, phí chuyển nhượng, lót tay và lương tháng của cầu thủ rồi sẽ được kéo xuống?
 
- Chắc chắn là vậy. Khi tiền bạc dồi dào các ông bầu có thể vung tiền, nhưng khi kinh doanh khó khăn, kinh tế suy giảm, việc chi tiêu sẽ phải tiết kiệm. Cầu thủ giỏi dù có muốn lương, phí chuyển nhượng cao cũng sẽ khó có cơ hội vòi vĩnh. Trật tự rồi sẽ được thiết lập lại.

Tám năm qua, nhiều người cho rằng HAGL không có thành tích khả quan ở V-League do bầu Đức “kẹo” không chịu mua sắm cầu thủ giỏi...?
 
- Dư luận có quyền nói thế nhưng tôi kiên định với lối đi riêng của mình. Chịu đầu tư tiền bạc sẽ có thành tích ngay thôi. Nhưng tôi không làm vậy mà dồn tiền bạc lẫn công sức để đào tạo thế hệ trẻ. Tôi làm bóng đá lâu dài chứ không chơi màn “ăn xổi ở thì”. Tôi tách ra khỏi những cuộc chuyển nhượng giá cao là vì lẽ đó.
 
Tôi trồng cao su, chỉ sau năm năm là thu hoạch để thu hồi vốn. Còn đầu tư vào bóng đá trẻ thì nhanh lắm là sau bảy năm mới cho ra lò lứa cầu thủ đầu tiên. Nếu làm phép tính sẽ thấy ngay trồng cao su lợi hơn “trồng người”. Nhưng nếu ai cũng tính toán thiệt hơn như vậy thì lấy đâu ra nhân tài đá bóng cho đất nước, lấy ai dạy dỗ cầu thủ trẻ và lấy ai mang lại niềm vui đá bóng vào mỗi dịp cuối tuần cho người hâm mộ nơi phố núi.

Tôi có “kẹo” hay không thì tự tôi biết. CLB không có thành tích cao nhưng tôi vẫn vui vì chẳng phải nợ lương, nợ thưởng cầu thủ để được lôi ra kể lể, nhắc nhở trên mặt báo.

 
Ông nghĩ gì khi số lượng CLB ở V-League giảm còn khoảng 10 đội do khó khăn?
 
- V-League mà còn 10 đội hay ít hơn thì bóng vẫn lăn trên sân. Ít đội biết đâu lại là điều hay. Hàn Quốc từng tổ chức giải nhà nghề với sáu đội và đá vòng tròn đến ba lượt thì sao. Không có gì phải lo nếu tình yêu đích thực với bóng đá vẫn còn.

Cầu thủ chia sẻ khó khăn
 
Khi được hỏi sẽ phản ứng thế nào nếu đội bóng gặp khó khăn và buộc phải giảm lương trong khoảng 30-40 triệu đồng/tháng cũng như giảm tiền thưởng thắng trận, các cầu thủ ngôi sao đang nhận lương cao đều nói buộc phải chấp nhận chuyện ấy.
 
Tiền đạo Lê Công Vinh (CLB bóng đá Hà Nội):
 
Năm 2008 tôi nhận lương ở CLB Sông Lam Nghệ An khoảng 11 triệu đồng/tháng, tiền thưởng cho một trận thắng gần 2 triệu đồng. Về Hà Nội T&T tôi nhận lương 40 triệu đồng/tháng, thêm khoảng 100 triệu đồng tiền thưởng nếu đội toàn thắng cả bốn trận trong tháng. Về CLB bóng đá Hà Nội hồi đầu mùa, lương tôi cũng tăng hơn nữa.
 
Việc tăng lương mỗi khi chuyển đến một CLB khác cũng là bình thường. Nhưng khi CLB gặp khó khăn về kinh tế, không thể kham nổi và buộc phải cắt giảm ngân sách hoạt động nếu như không muốn bị giải thể, cầu thủ chúng tôi phải chấp nhận giảm lương nhằm cứu CLB.
 
Tiền vệ Phan Văn Tài Em (Navibank Sài Gòn):
 
Lương hiện tại của tôi tại CLB là 50 triệu đồng/tháng. Nếu tài chính của đội bóng gặp khó khăn, tôi chấp nhận giảm lương nhằm giúp CLB vượt qua khó khăn. Nhưng việc giảm lương - thưởng không phải là điều chúng tôi lo nhất. Việc giữ đội bóng tồn tại mới là mối quan tâm sống còn của các cầu thủ Navibank Sài Gòn hiện nay, khi chúng tôi không biết được số phận của đội thế nào trong tương lai.
 
Tiền vệ Nguyễn Vũ Phong (B.Bình Dương):
 
Chúng tôi may mắn không bị nợ lương, thưởng dù thu nhập giảm đáng kể do lãnh đạo đội bóng không còn thưởng nhiều như trước sau mỗi trận thắng. Nhưng nếu CLB B.Bình Dương gặp khó khăn phải cắt giảm ngân sách hoạt động, chúng tôi cũng phải chấp nhận giảm lương thôi. Nếu không giảm lương, CLB giải thể thì đi đâu bây giờ?
 
Thủ môn Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T):
 
Khi CLB gặp khó, tôi chấp nhận giảm lương nhằm giúp sức với CLB. Khi ông chủ làm ăn có lãi, họ đối xử tốt với mình thì khi họ gặp khó khăn mình phải sống có tình cảm, chia sẻ với ông chủ. Ở CLB Hà Nội T&T, tôi nhận lương 40 triệu đồng/tháng nên giảm một chút không thành vấn đề.
 
Trung vệ Lê Phước Tứ (Sài Gòn Xuân Thành *):
 
Tôi không tin CLB Sài Gòn Xuân Thành phải cắt giảm ngân sách hoạt động vì kinh tế khó khăn. Nhưng nếu lỡ có chuyện đó xảy ra, tôi sẽ chấp nhận giảm mức lương đang nhận 60 triệu đồng/tháng để bớt chi phí cho CLB. Nhưng giảm bao nhiêu thì tôi và CLB cần phải ngồi lại bàn bạc cụ thể.
 
(*) Năm 2011, Phước Tứ về CLB Sài Gòn Xuân Thành với giá kỷ lục 12 tỉ đồng/ba năm.


Theo Tuoitre

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn