Tuyển Việt Nam: Thua lại... tốt!

Chủ nhật, 24/03/2013, 17:02
Thua đối thủ như Hong Kong thì đau nhưng suy cho cùng, thất bại đó chẳng phải thảm họa ở một trận đấu mà thắng thua vô tình lại thành công cụ để "người ta" giải quyết vô số vấn đề ở tầm vĩ mô của nền bóng đá.

Khi tuyển Việt Nam chơi tốt, có nhiều cơ hội để có thể dứt điểm trận đấu nhưng chung cuộc vẫn thua 1-2 trước UAE ở loạt trận đầu tiên của vòng loại Asian Cup 2015 vừa qua, HLV Hoàng Văn Phúc từng chia sẻ: "Thua thì tiếc so với những gì mà các cầu thủ thể hiện, nhưng thua thì suy cho cùng cũng là bình thường..."

Khi tuyển Việt Nam thua như thế, không chỉ những người làm nghề mà chính nhiều cầu thủ của đội khi nhắc lại trận đấu, dù có chút tiếc nuối, cũng đều thành thật tặc lưỡi: "Hòa thì tốt nhưng thua cũng có khi là... tốt"?!

Tốt bởi người trong cuộc, có chuyên môn thừa nhận UAE cao hơn tuyển Việt Nam một tầm và nói thẳng, trình độ của họ có thể thắng nếu muốn và thực tế họ đã thắng khi họ cần thắng.

Tuyển Việt Nam thất bại cay đắng do chủ quan

Tốt bởi suy cho cùng, nếu một trong số những cơ hội thành bàn thắng, tuyển Việt Nam có thể có một trận hòa thì cũng chỉ để "ngẩng cao đầu", để sướng với nhau. Bản chất chẳng thể thay đổi hay giải quyết vấn đề gì ở sân chơi mà ngay từ đầu đã xác định không dành cho mình và không dồn sức để chơi như Asian Cup 2015.

Thậm chí, hòa hay thắng còn có thể tạo ra những hiệu ứng đám đông rất nguy hiểm, nếu so với thực trạng và những vấn đề tồn tại của cả nền bóng đá Việt ở thời điểm này.

Làm khách trên sân của Hong Kong, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc đặt mục tiêu phải chiến thắng. Thắng để cho mình, cho những ngày tháng đổ mồ hôi tập luyện và cho cả thứ khát vọng mà những người còn rất trẻ và mới của tuyển mang trong mình.

Thế nhưng, thực tế phũ phàng, tuyển Việt Nam thua và thua bởi phơi bày những hạn chế của mình chứ không phải bởi đối thủ chơi hay hơn.

Thua đối thủ như Hong Kong thì đau nhưng suy cho cùng, tuyển Việt Nam thua chẳng phải thảm họa ghê gớm ở môt trận đấu mà thắng thua vô tình lại thành một thứ công cụ để "người ta" giải quyết vô số vấn đề ở tầm vĩ mô của một nền bóng đá.

Nếu tuyển Việt Nam thắng, "người ta" sẽ giải được bài toán khó mang tên HLV trưởng, vốn là câu chuyện bi hài từ sau thất bại AFF Cup 2012, cũng như nhiều năm trước đó. Và sẽ có nhiều lý do để nói, để báo cáo khi thành tích luôn là thứ chìa khóa để biện hộ hay mở ra một cánh cửa nào đó. Giống như cách "người ta" vẫn hay kể về chức vô địch Đông Nam Á đã "đi vào lịch sử" năm 2008 khi nói về chuyện thành công hay thất bại.

Vấn đề của tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt nói chung là thế, đôi khi thắng chỉ để cho mình mình và thắng xong cũng chẳng biết để làm gì.

Thế nên cũng đừng nghiêm trọng hóa vấn đề. Bởi có khi thua lại... tốt hơn! Khi thua, nhất là thua ở thời điểm này, tất cả mới ý thức hết mình là ai, ở đâu và đang như thế nào.

Bóng đá Việt đang như thế nào, đó mới là câu cần hỏi, sau một thất bại!

Theo TT24h

Các tin cũ hơn