Thiếu nghiêm túc trong lực lượng: khi ĐT Việt Nam không phải là tập hợp của các cầu thủ tốt nhất đang chơi ở V-League. Sự thiếu vắng Công Vinh, Trọng Hoàng, Minh Đức có thể là những ví dụ. Dĩ nhiên, lực lượng này chưa thể gọi là bộ mặt của ĐT Quốc gia. Nói cách khác đây là đội “tuyển chọn”: tuyển và chọn cầu thủ theo ý một số quan chức VFF.
Thiếu nghiêm túc trong việc sử dụng người cầm quân: khoan nói ông HLV Hoàng Văn Phúc có tài hay không. Thế nhưng đẩy một HLV “tạm quyền” thi đấu một giải chính thức như vòng loại Asian Cup phải nói là một thái độ coi thường với giải đấu. Nó như việc xua quân ra trận nhưng chỉ huy là một ông tướng tạm, quyền uy cũng tạm.
Hơn thế, trận đấu với Hong Kong lại bị VFF biến thành một thử thách đối với HLV, tạo ra sức ép không cần thiết: thắng thì ký hợp đồng, không thắng thì có thể xem xét…
HLV Hoàng Văn Phúc và các học trò đã bị thụ động trong chuẩn bị.
Thiếu nghiêm túc trong việc xác định tư tưởng khi tham gia giải đấu: Trước khi đá với Hong Kong, cửa “đi tiếp” của ĐT Việt Nam là có khi điều lệ chấp nhận cả đội thứ 3 xuất sắc nhất được dự vòng chung kết.
Nó là một cơ hội và nên nhớ rằng năm 2007, Việt Nam chỉ có thể dự Asian Cup với tư cách là chủ nhà một bảng đấu. Song VFF không làm tất cả để tận dụng cơ hội đó, trong đầu các nhà hoạch định chính sách của bóng đá nước nhà loanh quanh cũng chỉ “tận dụng” vòng loại Asian Cup là nơi để “chuẩn bị” cho đấu trường SEA Games diễn ra vào cuối năm. Khi anh không làm tất cả để tận dụng cơ hội thì việc cơ hội trôi đi cũng là điều rất bình thường.
Không nên và không thể trách HLV Hoàng Văn Phúc (dù sao thì ông ấy cũng là HLV tạm quyền), trách các cầu thủ (dù sao thì mục đích và sân chơi chính vẫn là SEA Games cuối năm).
Một lần nữa, cả ông HLV và các cầu thủ là nạn nhân của lề thói làm việc rất đáng quan ngại của VFF. Hãy hiểu rằng, nếu ĐT Việt Nam thắng, sẽ có nhiều bộ mặt quan chức xuất hiện hớn hở. Nếu thua, VFF sẽ thành một cuộc thi đấu thể thao, để tìm ra người “lặn” sâu nhất.
Người ta ngạc nhiên về dấu ấn lãnh đạo VFF trước và trong cuộc đấu của ĐT Việt Nam với Hong Kong.
Ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, thay vì tập trung nhiều hơn đến ĐT Quốc gia thì đã kịp đưa ra thông tin nóng bỏng: “V-League sẽ có đội bỏ cuộc”. Tin sốc tới mức ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã phải dùng hình ảnh “cái bánh mới nguội mà người ta đã bảo nó thiu thì chúng tôi sao bán được”.
Kể ra, ông Hỷ cũng quan tâm tới đội tuyển, chí ít là cuộc thăm viếng trước khi họ lên đường, nhanh chóng tới mức có người ví là: ông Chủ tịch đi ăn sáng rồi tiện tạt qua nói mấy câu trước khi lên phòng làm việc.
Hai ông Phó chủ tịch, cũng là 2 ứng viên sáng giá nhất cho chức Chủ tịch VFF khóa tới thì… đứng hình. Có lẽ, trước những biến động về thượng tầng như Đại hội VFF thì tốt nhất là… nằm im. Ông Phó phụ trách tài chính thì cũng xuất hiện đôi lần nhưng lại nói về chuyện Arsenal sang Việt Nam hay lộ trình hiện thực hóa cá cược bóng đá.
Ông Phó phụ trách truyền thông sau năm 2012 nói “hơi bị nhiều” thì từ đầu năm chẳng thấy phát ngôn gì cả. Có người bảo ông ấy đang lo mùa tuyển sinh Đại học, nơi ông làm việc, chỗ đó mới đáng chứ VFF giờ không ăn thua…
Ông Tổng thư ký thì xác định là làm nốt cho xong rồi nghỉ…
Người hâm mộ cảm thấy họ cần phải nghe lời xin lỗi từ VFF, không phải là chuyện thua Hong Kong mà là sự coi thường giải đấu, coi thường sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Nhưng có lẽ, VFF không phải là nơi các nhà văn có thể qua lại nên họ không thể mời nhà văn nữ Trang Hạ dịch tiếp câu chuyện “Xin lỗi em chỉ là…”
Và tất nhiên, VFF không ai bán… bánh giò để rồi cất lời: “Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán bánh giò”.
Theo TT24h