Viễn cảnh u ám của quan hệ Mỹ - Triều nếu thượng đỉnh Trump - Kim đổ vỡ

Thứ bảy, 26/05/2018, 08:36
Liệu Triều Tiên sẽ tiếp tục lặp lại những lời đe dọa bắn tên lửa về phía Mỹ? Cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ đi về đâu? Những câu hỏi này tiếp tục được đặt ra sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Việc Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên vào ngày 12/6 tại Singapore có thể khiến hai nước quay trở lại cuộc khủng hoảng từng gây chấn động thế giới hồi năm 2017. Trong bối cảnh giới chức Mỹ và Triều Tiên đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn trước khi quyết định không ngồi chung trên bàn đàm phán, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng những tuyên bố này có thể biến thành hành động thực sự.

Tuy vậy, việc Tổng thống Trump vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên trong thư gửi ông Kim Jong-un hôm 24/5, cũng như việc Bình Nhưỡng vẫn mong muốn nhận được những lợi ích từ viễn cảnh hạ nhiệt căng thẳng với Hàn Quốc, có thể sẽ giúp hai nước có những bước đi kiềm chế nhằm tránh không để mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát.

Triều Tiên sẵn sàng đối thoại?

Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan được cho là phản ứng chính thức đầu tiên của Bình Nhưỡng sau khi Tổng thống Trump thông báo hủy cuộc họp với ông Kim Jong-un. Ông Kim Kye-gwan nói rằng Triều Tiên vẫn để ngỏ cơ hội giải quyết các vấn đề với Mỹ “vào bất kỳ thời điểm nào và dưới bất kỳ hình thức nào”. Ông cũng nhận định quyết định hủy họp của Tổng thống Trump là “rất đáng tiếc”, đồng thời thể hiện mức “thù địch” sâu sắc giữa hai quốc gia.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, tình thế hiện nay cho thấy mức độ cấp bách của việc hai nước cần sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm cải thiện quan hệ. Tuy vậy, ông Kim Kye-gwan không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng nhượng bộ trong chương trình hạt nhân.

Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định theo đuổi lập trường cứng rắn hơn sau tuyên bố hủy họp của Tổng thống Trump, ông có thể cho phép tiến hành phóng thử một trong số các tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung - điều mà Triều Tiên kiềm chế thực hiện trong những tháng gần đây khi duy trì chính sách ngoại giao hòa dịu. Thậm chí, Bình Nhưỡng có thể quyết định thực hiện một động thái rủi ro hơn là phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn tới Mỹ dù nước này từng tuyên bố sẽ không phóng thử ICBM từ tháng trước.

Tốc độ phát triển ICBM nhanh chóng của Triều Tiên từng là nguyên nhân dẫn tới màn đối đầu căng thẳng giữa ông Trump và ông Kim Jong-un trước đây, từ đó khiến nhà lãnh đạo Mỹ lệnh cho Lầu Năm Góc lên sẵn các phương án tấn công phủ đầu vào cơ sở hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên.

“Dấu hiệu sớm của một mối quan hệ theo chiều hướng đi xuống là khi Triều Tiên tuyên bố rằng họ không còn bị ràng buộc bởi cam kết dừng thử vũ khí”, Victor Cha, cựu cố vấn về khu vực châu Á dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Nguy cơ tấn công mạng

Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau tại Mỹ (Ảnh: AP)

Một khả năng có thể xảy ra khi Tổng thống Trump quyết định dừng cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Triều Tiên có thể gia tăng các vụ tấn công mạng.

“Chúng ta có thể dự đoán về một số hình thức trả đũa qua mạng (của Triều Tiên), trong đó khả năng xảy ra nhiều nhất là ngăn chặn các dịch vụ hoặc tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, mạng lưới quân sự, nhà thầu quốc phòng và các công ty đa quốc gia của Mỹ”, Priscilla Moriuchi, cựu lãnh đạo văn phòng quản lý các mối đe dọa mạng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.

Tuy vậy, theo Jeff Bader, người từng là cố vấn khu vực châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ tránh “các hành động khiêu khích quá mức” vì vẫn muốn tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc và chính việc Hàn - Triều xích lại gần nhau sẽ khiến quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn thêm xa cách.

Sức ép tối đa

Tổng thống Trump có thể coi những bước tiến triển gần đây của Triều Tiên, bao gồm quyết định thả 3 công dân Mỹ bị bắt giữ trong tháng này, là động thái thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, việc Ngoại trưởng Mike Pompeo có các cuộc tiếp xúc trực tiếp, mặc dù chưa nhiều, với nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng mở ra cánh cửa cho các liên lạc ở cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tuy vậy, chính quyền Trump đã trở thành mục tiêu công kích của dư luận khi không thể đặt nền móng cho cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ quay lại con đường tăng cường trừng phạt Triều Tiên trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, có thể sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn khi nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng để Mỹ buộc Triều Tiên bước vào bàn đàm phán.

Theo đó, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn hành trình của các tàu vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên. Các khả năng khác bao gồm tăng cường triển khai các khí tài không quân và hải quân Mỹ tới hoặc xung quanh lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời tiếp tục tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc bất chấp sự chỉ trích của Triều Tiên.

Mặc dù vậy, theo Evans Revere, nhà đàm phán Mỹ từng làm việc với Triều Tiên, các động thái quân sự của Washington có thể sẽ không diễn ra “trừ khi các hành động hoặc tuyên bố khiêu khích của Triều Tiên buộc Mỹ phải làm như vậy”.

Rút cam kết phi hạt nhân

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 tháng 9/2017 (Ảnh: Reuters)

Theo ông Nicholas Burns, nhà ngoại giao và là giáo sư tại Trường Harvard Kennedy, kịch bản Mỹ hủy hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên không phải là điều quá ngạc nhiên và chính sách ngoại giao giữa hai nước trong tương lai có thể sẽ là tiến trình kéo dài và không hiệu quả.

“Không có gì quá ngạc nhiên khi hội nghị thượng đỉnh ở Singapore không diễn ra. Chúng ta đã chứng kiến những tuyên bố đầy toan tính, gây hấn và đe dọa của chính quyền Triều Tiên trong tuần qua. Họ rõ ràng đã rút khỏi những cam kết từng đưa ra trước đây về việc sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân”, ông Burns nhận định, đồng thời cho biết trong nội bộ nước Mỹ cũng đã có sự xáo trộn.

Trong khi Tổng thống Trump có quan điểm cởi mở hơn, một số cố vấn của ông, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, luôn cho rằng kết quả (của đàm phán Mỹ - Triều) phải đi theo mô hình Libya.

“Mô hình Libya là sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi và là cái chết của (nhà lãnh đạo) Moamar Gaddafi, và ai cũng có thể hiểu rằng mô hình này sẽ khiến Triều Tiên lo sợ”, ông Burns nói.

Kịch bản chiến tranh

Theo Vipin Narang, giáo sư chuyên ngành hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, chính quyền Mỹ có thể coi sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên là bằng chứng cho sự thất bại của nỗ lực ngoại giao và tiến hành “phi hạt nhân hóa bằng vũ lực”. Tuy nhiên, lựa chọn phương án chiến tranh có thể khiến cả Mỹ và Triều Tiên bị hủy diệt vì Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ.

“Quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước cũng như cách đưa ra quyết định này có thể sẽ đẩy chúng ta vào con đường xung đột”, Ned Price, cựu đặc vụ CIA từng là người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Obama, nhận định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản chiến tranh chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện nay.

“Vẫn chưa đến thời điểm để nói về chiến tranh. Có thể một ngày nào đó chuyện đó sẽ xảy ra, nhưng bây giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy”, Bruce Klingner, chuyên gia về châu Á tại Quỹ Di sản, nhận định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn